Saturday, January 19, 2013
Sự cần thiết của pháp luật chuẩn mực, bắt đầu bằng bản Hiến pháp dân chủ
Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền của một đảng cách mạng, xã hội Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng hoảng. Khủng hoảng vì lo sợ chế độ bị sụp đổ. Khủng khoảng vì quốc nạn tham nhũng dai dẳng và vô phương cứu chữa. Khủng hoảng cho niềm tin vào tương lai. Mọi người chúng ta đều xác định được rằng nguồn gốc của những khủng hoảng đó là sự thiếu vắng của một bản hiến pháp thiết lập rõ ràng một hệ thống pháp luật chuẩn mực và vô tư, một cơ chế quyền lực nhà nước được phân chia và giới hạn, và hệ thống bầu cử minh bạch và công bằng. Nói chung, bản hiến pháp đó phải xiển dương rõ ràng quyền người dân bỏ phiếu bầu lãnh đạo và hệ thống tòa án độc lập dựa trên tôn chỉ bảo vệ quyền con người và thi hành luật pháp một cách vô tư. Hiện nay, hậu quả của tình trạng khủng hoảng cơ chế và khủng hoảng luật pháp là hệ thống chính trị suy đồi, tham nhũng, bất trị; lãnh đạo nói mà không làm; nhà nước của dân biến thành nhà nước của một đảng. Trong mấy mươi năm qua, nhiều nhà lãnh đạo có tâm huyết với đất nước đã kêu gọi một thay đổi toàn diện. Nhưng hệ thống chính trị độc đoán đã nhận chìm những tiếng nói cấp tiến đó; biến cả lãnh đạo, đảng viên, và cán bộ trong Đảng Cộng sản thành nạn nhân của hệ thống.
Nhận thức được vấn đề của đất nước như vậy, việc chung vai sát cánh là cần thiết để đưa Tổ quốc chúng ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Những công tác thiết yếu cần phải làm bắt đầu bằng sự thật tâm vận động cho Việt Nam có một bản hiến pháp dân chủ đúng nghĩa, một nhà nước chính danh của nhân dân, và một hệ thống pháp luật chuẩn mực. Hiến pháp dân chủ, pháp luật chuẩn mực và hệ thống nhà nước minh bạch là những điều kiện tất nhiên để tạo lập công bằng xã hội, phát triển kinh tế bình đẳng, mở đường cho các chương trình phúc lợi xã hội cho toàn dân.
Hiến pháp là gì?
Để đánh giá một quốc gia, người ta thường nhìn vào bản hiến pháp, bởi vì hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Tất cả các quốc gia văn minh đều cần có bản hiến pháp dân chủ thể hiện nhà nước pháp quyền (thượng tôn pháp luật).
Hiến pháp là văn kiện thiêng liêng của mỗi quốc gia, là văn bản tối cao của pháp luật quy định những thiết chế cơ bản của nhà nước. Hiến pháp của một quốc gia là tiếng nói chung của nhân dân quốc gia đó. Từng câu, từng chữ, từng lời trong hiến pháp là câu, là chữ, là lời của nhân dân, biểu thị ý chí và tâm nguyện của nhân dân, phản ảnh lịch sử và đặc thù văn hoá của xã hội.
Bản chất của hiến pháp là những quy định pháp luật – những quy tắc ứng xử, bắt buộc đối với mọi đối tượng sống trên lãnh thổ quốc gia. Vì vậy, việc sửa đổi hiến pháp phải rất thận trọng, bài bản minh bạch, khoa học, và thực tế.
Từ những nhận thức cốt yếu về bản chất vô tư của hiến pháp, chúng ta tự biết phải làm những việc gì, làm như thế nào, khi nào để hoàn chuẩn một bản hiến pháp xứng danh.
Hiến pháp chuyên chính khác với hiến pháp dân chủ như thế nào?
Các chế độ dân chủ không ca ngợi hiến pháp dân chủ như trong chế độ cộng sản, nhưng ban hành và thực thi hiến pháp dân chủ trong thực tế. Các chế độ độc đảng ca ngợi và khâm phục hiến pháp dân chủ nhưng lại áp đặt hiến pháp của một đảng nhằm phục vụ cho quyền lợi của thiểu số cầm quyền. Ba thiết chế dân chủ cần thiết của một xã hội công bằng, văn minh – báo chí trung thực, toà án độc lập, bầu cử dân chủ – cần phải được quy định rạch ròi trong hiến pháp và có cơ chế thực thi chứ không phải chỉ ca ngợi. Lâu nay bộ máy nhà nước cộng sản tuyên truyền ca ngợi thường xuyên về các thiết chế đó. Nhưng trên thực tế, một đảng giữ độc quyền nhà nước, báo chí là của đảng, toà án cũng của đảng, và đảng khống chế toàn bộ chế độ bầu cử.
Hiến pháp chuyên chính là hiến pháp do đảng cộng sản độc quyền soạn thảo, thông qua và ban hành. Cơ cấu của bản hiến pháp gọi là “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam dựa trên các lập luận của người cộng sản: làm chủ tập thể, chuyên chính vô sản và sở hữu toàn dân. Nói cách khác, đó là mô hình chế độ chính trị độc quyền nhà nước một đảng mạo danh giai cấp “vô sản” và người dân bị tước quyền làm chủ đất nước cũng như quyền làm chủ đất đai. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn chuyên chính vô sản nhưng vẫn giữ độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, áp đặt hiến pháp và pháp luật, bỏ qua sự phê chuẩn của nhân dân. Hiến pháp áp đặt đó là hiến pháp không chính danh.
Trong khi đó, hiến pháp dân chủ dựa trên cơ sở: dân chủ, bình đẳng, pháp quyền. Nói cách khác, hiến pháp dân chủ là hiến pháp của dân, do dân, vì dân, quyền làm chủ đất nước và quyền làm chủ đất đai của nhân dân được tôn trọng. Tiến trình hình thành hiến pháp dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, có thể chia ra hai giai đoạn:
Giai đoạn I: soạn thảo, thông qua và ban hành hiến pháp
Giai đoạn II: thi hành, bảo vệ và tu chính hiến pháp
Giai đoạn I cụ thể hoá nguyện vọng và ý chí của nhân dân vào bản hiến pháp. Để bắt đầu, quốc hội lập hiến hay uỷ ban soạn thảo hiến pháp, do dân bầu hoặc do nhà nước đề ra, phải bao gồm nhiều thành phần trong xã hội. Khi đã hoàn tất phần dự thảo, thể lệ hội họp và “góp ý sôi nổi” không đủ mà phúc quyết hiến pháp hay trưng cầu ý dân bằng lá phiếu là thủ tục pháp lý nhất thiết phải có.
Nhu cầu tối quan trọng trước khi bản hiến pháp được ban hành là việc phải để nhân dân có toàn quyền phê chuẩn bản hiến pháp đó. Với những thủ tục nêu trên của Giai đoạn I, bản hiến pháp sẽ hội đủ điều kiện chuẩn mực và chính danh, vì quy trình lập hiến đã không bị khuynh loát bởi một vài phe nhóm chính trị và nhân dân không bị áp đặt bản hiến pháp sau cùng.
Trong Giai đoạn II, khi đất nước đã có bản hiến pháp chính danh, như mọi quốc gia dân chủ trên thế giới, nhiệm vụ của chính phủ là phải thi hành và bảo vệ hiến pháp đó. Tuy nhiên, một bản hiến pháp, dù dân chủ về nội dung, cũng khó được thi hành trong tình trạng độc quyền chính trị của một đảng.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa có bản hiến pháp chính danh và vẫn còn quanh quẩn chưa ra khỏi giai đoạn I, vì giới cầm quyền chưa thoát khỏi tư duy độc tôn với một cơ chế độc quyền nhà nước của một đảng.
Tình trạng hiến pháp không chính danh và hậu quả của vấn đề áp đặt pháp luật tại Việt Nam
Lịch sử lập hiến của Việt Nam có thể nói bắt đầu từ Hiến pháp 1946. Đó là bản hiến pháp dân chủ, hiến pháp của toàn dân, hiến pháp cần thiết cho sự hoà hợp dân tộc và tạo môi trường hài hoà cho xã hội phát triển toàn diện. Các hiến pháp sau đó đều tuyên bố là kế thừa Hiến pháp 1946, nhưng trên thực tế không phải vậy. Các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 do các lãnh đạo đảng cộng sản áp đặt, cho nên không phải là hiến pháp dân chủ, chuẩn mực hay chính danh. Thủ tục phúc quyết hiến pháp được quy định tại Hiến pháp 1946, nhưng các hiến pháp sau đó đã không tuân thủ. Cho dù nhà cầm quyền có tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trong quy trình soạn thảo, cần hiểu rằng góp ý hiến pháp không đồng nghĩa với phúc quyết hiến pháp. Tổ chức góp ý hiến pháp hay hội thảo góp ý hiến pháp dù “góp ý sôi nổi” như thế nào cũng chỉ là “thăm dò ý kiến”, không phải là thủ tục pháp lý. Trong khi đó, phúc quyết hiến pháp, hay trưng cầu dân ý để nhân dân phê chuẩn hiến pháp bằng lá phiếu, là thủ tục pháp lý nhất thiết để bản hiến pháp được ban hành là hiến pháp của toàn dân. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam không tổ chức cho nhân dân phúc quyết hiến pháp hiển nhiên chứng tỏ nhà cầm quyền không tôn trọng quyền làm chủ đất nước của nhân dân.
Hiến pháp đã áp đặt thì cầm quyền cũng không chính danh, bởi vì nhà cầm quyền chưa từng bao giờ được nhân dân thỏa thuận trao quyền. Pháp luật theo đó cũng không vô tư, vì không do nhà nước của nhân dân làm ra. Hậu quả là sự cầm quyền vô trách nhiệm, giải nghĩa và áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện hoặc bị ảnh hưởng từ quyền lực cá nhân, mua quan bán chức ngang nhiên, tham nhũng lộng hành, bắt người trái phép, gây khiếu kiện lan tràn trong xã hội hàng mấy thập kỷ nay. Hiến pháp bị áp đặt thì quyền làm chủ đất nước của nhân dân, cụ thể là quyền bầu cử ứng cử, quyền phúc quyết hiến pháp và các vấn đề hệ trọng của đất nước, bị tước đoạt.
Chính vì bản hiến pháp áp đặt không do nhân dân phê chuẩn nên hiện nay mới có hình thức sở hữu toàn dân. Mô thức này đồng nghĩa với việc người dân không được quyền làm chủ đất đai của mình. Thuần túy trên căn bản văn hóa và xã hội, quyền làm chủ đất nước và làm chủ đất đai của người dân là hai quyền hiển nhiên trong một quốc gia như thể hai cánh tay của một con người vậy.
Sự cần thiết của pháp luật chuẩn mực, bắt đầu bằng bản Hiến pháp dân chủ
Đã hơn hai thập niên từ khi sửa sai đổi mới, dù nhà cầm quyền Việt Nam hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng những đòi hỏi cơ bản của nhà nước pháp quyền vẫn chưa được đáp ứng. Công trình chuyển đổi bản chất của nhà nước, từ vai trò ban phát sang vai trò phục vụ nhân dân, là một xu thế và quy luật phát triển tất yếu. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện và có cơ chế đảm bảo thi hành hiến pháp và pháp luật hữu hiệu không chỉ ngăn chặn tình trạng lạm quyền, tham nhũng, mà hơn thế, còn thúc đẩy phát triển toàn diện, tiến tới xây dựng xã hội công bằng. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa, để khẳng định vị thế của một nhà nước, tiến hành xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trong sự tương thích với luật pháp quốc tế là một đòi hỏi hàng đầu.
Quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam trước sau vẫn không thay đổi: tranh đấu cho xã hội dân chủ, công bằng, dứt khoát và trước hết phải tranh đấu cho Việt Nam có bản hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ là điều kiện tiên quyết của nhà nước pháp quyền.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment