Sunday, April 14, 2013

Đại cương về Giải pháp #2

Giải Pháp #2 được dự trù cho trường hợp đảng VNCS bị mất quyền lãnh đạo bất ngờ bởi một biến cố chánh trị; và Việt Nam tất nhiên có nhu cầu thành hình một chánh quyền dân chủ mới một cách cấp thiết.

Chính phủ mới được thành hình xuyên qua hai giai đoạn kế tiếp nhau là Lâm thời và Tổng Tuyển Cử.

Do tính chất cấp thiết của tình hình, Giải Pháp #2 mang ba yêu cầu quan trọng như sau:

Phải ưu tiên bảo đảm tình hình an ninh quốc gia, sự liên tục của sinh hoạt xã hội và tiến trình phát triển kinh tế.

Phải có một chánh quyền lâm thời để điều hành quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp.

Phải có một kế hoạch tổ chức bầu cử các cơ chế lãnh đạo và điều hành quốc gia trong một thời hạn hợp lý.

Để thực thi ba yêu cầu quan trọng nêu trên, tiến trình thực thi Giải Pháp #2 của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam bao gồm một tiến trình xây dựng guồng máy chánh quyền mới có thể được dự phóng như sau:

Ổn Định Tình Hình:

Nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và duy trì sự sinh hoạt mọi mặt của xã hội, các tổ chức chánh trị có thực lực cần thỏa thuận cấp thời về chủ trương và nguyên tắc lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trong tình hình này, các lực lượng quân đội, cảnh sát và công chức hành chánh cần được duy trì nhiệm vụ đang có; với một số sự tái phối trí cần thiết về thành phần chỉ huy cao cấp để bảo toàn cục diện. Nếu cần thiết, một lực lượng bảo an Liên Hiệp Quốc có thể được mời đến Việt Nam ngay để bảo đảm an ninh, trật tự, và giúp ngăn ngừa tình trạng khủng hoảng quân sự có thể xảy ra bất ngờ.

Xây Dựng Chánh Quyền Lâm Thời:

Đại diện các đoàn thể chánh trị có thực lực ở Việt Nam thống nhất về nguyên tắc lãnh đạo và điều hành quốc gia để thành hình cấp thời một cơ chế “Chánh Phủ Lâm Thời” trong giai đoạn chuyển tiếp.

Song song với việc tạm thời điều hành quốc gia, cơ chế này có trách nhiệm hậu thuẫn việc thành hình một cơ chế có tư cách, thẩm quyền soạn thảo một bản Hiến Pháp mới. Thời hạn và quyền hạn của cơ chế “Chánh Phủ Lâm Thời” sẽ được quy định bởi sự thoả thuận của các đoàn thể chánh trị có trách nhiệm.

Thành Hình Hiến Pháp Lâm Thời:

Tổ chức thành lập “Hội Đồng Lập Hiến” để soạn thảo bản Hiến Pháp lâm thời, có khả năng làm nền tảng pháp lý cho toàn bộ tiến trình dân chủ hoá và phát triển đất nước trong giai đoạn ổn định chánh trị (tối đa là ba năm).

Để giúp bảo đảm tính khách quan và hữu hiệu của bản Hiến Pháp Lâm Thời, một số chuyên viên thuộc các ngành công quyền quốc tế có thể được mời cộng tác với “Hội Đồng Lập Hiến” trong giai đoạn soạn thảo. “Hội Đồng Lập Hiến” sẽ tự giải tán sau khi bản Hiến Pháp Lâm Thời được chấp thuận. Để tránh sự thiên vị, các thành viên “Hội Đồng Lập Hiến” sẽ không được trở thành ứng cử viên trong cuộc Tổng Tuyển Cử ngay sau đó.Bản Hiến Pháp Quốc Gia sẽ Quốc Hội mới soạn thảo, hay tu chính từ bản Hiến Pháp Lâm Thời, ngay sau khi nhiệm chức.

Tổ chức Tuyển Cử Quốc Gia:

Căn cứ vào tinh thần bản Hiến Pháp Mới, Chánh Phủ Lâm Thời có trách nhiệm tiến hành cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do trên toàn quốc trong thời hạn được quy định.

Cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do cấp quốc gia sẽ được tổ chức để nhân dân bầu chọn thành phần lãnh đạo ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp; với sự giám sát của các cơ quan chuyên ngành nhân quyền và công pháp quốc tế. Sau khi thành phần nhân sự các cơ cấu tam quyền phân lập được bầu chọn, Chánh Phủ Lâm Thời sẽ chánh thức chuyển giao quyền lãnh đạo và điều hành quốc gia cho chính phủ dân cử mới.

Tổ Chức Bầu Cử Địa Phương:

Sau khi tổ chức Nội Các Chánh Phủ và tái phối trí các cơ cấu chánh quyền theo tinh thần bản Hiến Pháp Lâm Thời, Chánh Phủ Dân Cử sẽ tổ chức bầu cử các bộ phận điều hành cơ cấu chánh quyền cấp địa phương. Việc tổ chức bầu cử chánh quyền địa phương các cấp vừa tăng cường yêu tính dân chủ của thể chế mới, vừa tạo điều kiện thi đua phục vụ của đại diện các đoàn thể chánh trị trên toàn cõi đất nước.

Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam do vhung1 tôi đề xuất là một trong những giải pháp thích hợp và khả thi cần có để hóa giải các bế tắc chánh trị hiện có. Mục tiêu tối hậu của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam là một thế chế dân chủ đích thực, cần được giữ nguyên vẹn như là một tiền đề bất biến. Đảng Vì Dân quan niệm rằng, giải pháp nào cũng có thể được chấp nhận, nếu có thúc đẩy được tiến trình thực hiện. Mục tiêu chung là chấm dứt tình trạng độc tài toàn trị hiện nay, và thay vào đó một chánh quyền dân cử thực sự tự do, và được lãnh đạo bằng một quan niệm Dân Chủ Nhân Bản đúng nghĩa. Tiến trình này ngắn hay dài, tốt đẹp hay nhiễu nhương là do thiện chí của các lực lượng chánh trị và sự ý thức của đại đa số nhân dân.

Điểm tiên quyết là người dân Việt Nam phải có cơ hội thực thi quyền chủ thể xã hội của mình. Sự can dự của quốc tế là một điều không thể tránh khỏi và cũng rất là cần thiết, tuy nhiên, nó không thể là yếu tố chủ động.

Cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do sẽ có nhiều thử thách hết sức cam go nhưng đó là giải pháp thích hợp nhất để các thành phần dân tộc có cơ hội tham gia vào tiến trình dân chủ hóa và phát triển đất nước.

Quy trình thực hiện cuộc Tổng Tuyển cử sắp tới, biện pháp giải quyết các trở ngại, và quan trọng hơn cả là việc đưa giải pháp này trở thành một đề nghị khả thi được các khuynh hướng chánh trị có thực lực ở Việt Nam chấp nhận, kể cả đảng VNCS.

Mặt khác, nếu như tình hình Việt Nam có những đột biến chánh trị làm thay đổi toàn bộ cục diện, ngay cả việc đảng VNCS bị mất quyền lãnh đạo một cách bất ngờ bởi một cuộc binh biến hay đảo chánh, thì việc tổ chức Tổng Tuyển Cử vẫn cần được thực hiện với những yếu tố thực tế của hoàn cảnh mới.

Vấn đề tiên quyết được đặt ra là phải dành cho nhân dân Việt Nam những cơ hội để bầu chọn thành phần lãnh đạo quốc gia. Bởi lẽ đó, bất cứ sự thay đổi quyền lực đơn thuần nào chỉ nhằm thay thế sự độc quyền lãnh đạo của đảng VNCS bằng một đảng khác, hay một liên minh chánh trị khác, mà không chấp nhận việc tổ chức Tổng Tuyển Cử để thành hình một chánh quyền dân cử, cũng đều không thể chấp nhận được.

Đã đến lúc để người Việt Nam phải mạnh dạn tiến hành cuộc vận động thực thi dân chủ cho tương lai tươi sáng của một nước Việt Nam Mới thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.

Lộ trình này đưa ra như một dự hướng cho phong trào dân chủ hóa nước nhà. Nó không nhất thiết là phải diễn tiến theo trình tự đề nghị trên đây, mà tùy thuộc vào những chuyển biến thực tiễn tại Viêt Nam và trào lưu dân chủ của thế giới mà thay đổi cho phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, tổng tuyển cử quốc dân một cách bình đẳng và công minh là con đường tất yếu phải đi tơí để dân chủ hóa và canh tân đất nước và dân tộc.

No comments:

Post a Comment