Sunday, April 14, 2013

Đại cương về Giải pháp #1

Giải Pháp #1 được dự trù cho trường hợp đảng VNCS vẫn nắm quyền lãnh đạo duy nhất, song đồng ý tương nhượng với các thành phần đối lập ở nội địa, và chấp nhận tiến trình dân chủ hoá đất nước qua cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do.

Giải Pháp #1 mang ba đặc tính tiêu biểu như sau:

Không dẫn đến sự khủng hoảng chánh trị, khả dĩ làm phương hại đến nền an ninh quốc gia;

Không gây ra những xáo trộn nghiêm trọng có thể làm suy yếu sinh hoạt xã hội;

Không gây trở ngại cho tiến trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của toàn dân.

Giải Pháp #1 của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam bao gồm bốn (4) điểm then chốt được đề nghị đưa ra để các phía liên hệ nghiên cứu và thương lượng, như sau:

Xây Dựng Giải Pháp Chánh Trị: Đại diện Bộ Chính Trị đảng VNCS cùng các nhân vật, đoàn thể chánh trị đối lập ở trong nước hội đàm và thương lượng về một số giải pháp chánh trị thích hợp cho Việt Nam.

Thành Hình Hiến Pháp Lâm Thời: Tổ chức bầu cử “Hội Đồng Lập Hiến” để soạn thảo bản Hiến Pháp Lâm thời, làm nền tảng pháp lý cho tiến trình dân chủ hoá và ổn định xã hội.

Tổ Chức Bầu Cử Địa Phương: Tổ chức bầu cử chánh quyền địa phương các cấp, theo tinh thần bản Hiến Pháp mới.

Tổ chức Tuyển Cử Quốc Gia: Tổ chức cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do cấp quốc gia, để bầu chọn thành phần lãnh đạo ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp; với sự giám sát của quốc tế.

Đại cương về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu cơ bản của 4 điểm then chốt này là:

Điểm thứ 1: Xây Dựng Giải Pháp Chánh Trị

Đại diện Bộ Chính Trị đảng VNCS và các đoàn thể chánh trị đối lập ở trong nước chánh thức hội đàm và thương lượng về một số giải pháp chánh trị thích hợp cho Việt Nam trên căn bản bình đẳng và tương trọng. Mục đích chánh yếu của đợt thương thuyết đầu tiên là thỏa thuận các nguyên tắc tiến hành việc thành lập một “Hội Đồng Lập Hiến” với nhiệm vụ soạn thảo bản Hiến Pháp mới. Cùng lúc, nhà cầm quyền chấp nhận thực thi các quyền tự do cơ bản như đã được qui định trong bản Hiến Pháp hiện hành, và đồng thời ngưng thi hành các điều khoản, sắc luật, nghị định, v.v… đi ngược lại tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Muốn có một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do được tổ chức thành công, các yếu tố cần và đủ của nó phải được thỏa thuận một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh giữa các đoàn thể chánh trị hiện hữu ở Việt Nam. Để hoá giải các trở ngại tâm lý và xây dựng môi trường đối thoại giữa đảng VNCS và các đoàn thể đối lập, đại diện các Tôn giáo ở Việt Nam có thể được uỷ nhiệm vai trò trung gian tạm thời trong giai đoạn thương thuyết sơ khởi.

Một số điều kiện cơ bản cần được thỏa mãn là nhà cầm quyền cần trả tự do ngay cho các tù nhân chánh trị, và chấm dứt sự đàn áp đối với những thành phần đối lập. Cùng lúc đó, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do sinh hoạt chánh trị ở Việt Nam được tôn trọng thực sự; để sự vận động quần chúng của mọi đoàn thể được thực hiện một cách tự do và công bằng.Để hiện thực hoá điều này, các đoàn thể, phong trào đối lập ở Việt Nam, và phong trào yểm trợ dân chủ ở nước ngoài, cần phát động một cánh mạnh mẽ và đồng loạt các nỗ lực đòi hỏi thực thi dân chủ, để tạo một áp lực mạnh có khả năng buộc Bộ Chính Trị đảng VNCS phải tương nhượng và chấp nhận một tiến trình dân chủ hoá đất nước.

Khi thực hiện điều này, phía cầm quyền (đảng VNCS) và các thành phần đối lập cần chấp nhận đối thoại với nhau bằng tinh thần xây dựng và tương trọng, để tìm cách tháo gỡ một cách cụ thể và rốt ráo các bế tắc chánh trị hiện có. Thái độ và thiện chí của mỗi đoàn thể sẽ là yếu tố thực tế để nhân dân Việt Nam quyết định cho sự chọn lựa thành phần lãnh đạo và điều hành guồng máy quốc gia sắp tới.

Sau khi giai đoạn sơ thuyết được thực hiện tốt đẹp, vai trò vận động của Đại diện các tôn giáo xem như đã mãn nhiệm. Các tập hợp tôn giáo sẽ tiếp tục đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa và phát triển đất nước một cách bình đẳng như các thành phần dân tộc khác.

Điểm Thứ 2: Thành Hình Hiến Pháp Lâm Thời

Tổ chức bầu cử cấp thời một "Hội Đồng Lập Hiến" với các Đại Biểu xuất phát từ nhiều đoàn thể chánh trị, xã hội khác nhau ở Việt Nam.

Nhiệm vụ của "Hội Đồng Lập Hiến" là soạn thảo một bản Hiến Pháp lâm thời, có nội dung đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết của xã hội, và đồng thời là văn kiện căn bản cho bản Hiến Pháp Quốc Gia sẽ được soạn thảo sau khi Việt Nam đã có được một Quốc Hội dân cử mới .

Mục đích chánh yếu của giai đoạn này là thành hình một bản Hiến Pháp có khả năng làm nền tảng pháp lý cho tiến trình dân chủ hoá và ổn định xã hội Việt Nam.

Muốn xây dựng một xã hội dân chủ có nền tảng thì phải có một bản Hiến Pháp với các qui định thật rõ ràng về mô thức tổ chức guồng máy lãnh đạo quốc gia, các cơ chế điều hành xã hội, các đường lối đối nội và đối ngoại căn bản, quyền hạn và trách nhiệm đóng góp của các đoàn thể trong xã hội, và đặc biệt là nghĩa vụ cũng như quyền lợi thực tiễn của mọi công dân.

“Hội Đồng Lập Hiến” bao gồm các Đại Biểu địa phương, Đại Diện các tôn giáo và Đại Diện cộng đồng hải ngoại cần được thiết lập cấp thời để soạn bản Hiến Pháp lâm thời hoặc Tu Chính Án cho bản Hiến Pháp hiện hành; trước khi ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp chánh thức được thành hình qua cuộc Tổng Tuyển Cử Quốc Gia.

Đây là một điều kiện cần và đủ để tiến trình dân chủ hoá đất nước có thể được thực hiện một cách ôn hòa, nhanh chóng và tốt đẹp.

Từ quan niệm đó, tiến trình dân chủ hóa và phát triển đất nước cần có một bản Hiến Pháp mới đáp ứng được những yêu cầu trọng đại của đất nước trong giai đoạn chuyển mình này, và các nhu cầu lớn của toàn xã hội trong hiện tại cũng như tương lai.

Điểm thứ 3: Tổ Chức Bầu Cử Địa Phương

Tổ chức bầu cử chánh quyền địa phương các cấp theo tinh thần bản Hiến Pháp lâm thời, làm nền tảng cho guồng máy chánh quyền quốc gia sau đó.

Mục đích của cuộc bầu cử này là tái tổ chức guồng máy chánh quyền địa phương (cấp xã, quận và tỉnh) nhằm xây dựng nền tảng cho một thể chế dân chủ, với một guồng máy chánh quyền dân cử được xây dựng từ đơn vị hành chánh cơ bản là cấp xã đến cấp trung ương.

Trong giai đoạn tổ chức các cuộc bầu cử tự do, bao gồm cuộc bầu cử chánh quyền địa phương và cuộc Tổng Tuyển Cử quốc gia, vai trò của các tổ chức nhân quyền, chuyên ngành công quyền của quốc tế cũng như Việt Nam, là giám sát các cuộc bầu cử để bảo đảm cho tính trung thực, khách quan và công bằng trong toàn bộ tiến trình.

Điểm thứ 4: Tổ chức Tổng Tuyển Cử Quốc gia

Tổ chức các cuộc bầu phiếu tự do để nhân dân Việt Nam chọn lựa các thành phần lãnh đạo của ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp.

Mục đích chánh yếu của giai đoạn này tạo các điều kiện thuận lợi để toàn dân Việt Nam có cơ hội thể hiện nguyện vọng của mình xuyên qua lá phiếu để bầu chọn ba cơ chế quốc gia cũng như bầu phiếu tín nhiệm thành phần nhân sự điều hành guồng máy chánh phủ. Đây cũng là một hình thức phân quyền cụ thể để tất cả lực lượng chánh trị có cơ hội tiến cử người tham gia vào guồng máy lãnh đạo và điều hành chánh quyền ở các ngành và các cấp.

Mục đích chánh yếu của giai đoạn này là vận động sự tham gia hậu thuẫn của cộng đồng thế giới vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Sự hiện diện của đại diện các cơ quan nhân quyền này cùng với các tổ chức phi chính phủ quốc tế sẽ là yếu tố lớn xây dựng niềm tin cho các phía liên hệ cũng như nhân dân Việt Nam, về sự khách quan và công bằng của các cuộc bầu cử. Yếu tố này đồng thời cũng sẽ là nền tảng cần có để giúp Việt Nam vận động được sự yểm trợ của quốc tế trong tiến trình tái thiết và phát triển Việt Nam.

Tổ chức Tổng Tuyển Cử Quốc Gia để toàn dân bầu chọn các thành phần lãnh đạo của ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp là con đường dân chủ hóa và phát triển Việt Nam tốt nhất. Đây cũng là dịp để người dân quyết định về tinh thần bản Hiến Pháp lâm thời, các chánh sách quan trọng của quốc gia, cũng như thể hiện ý nguyện về một mô thức tổ chức, xây dựng xã hội mới.

***

Các điểm được đề nghị hoàn toàn mang tính gợi ý để thảo luận. Nội dung giải pháp chánh thức sau này sẽ do chính những thành phần được đề cử soạn thảo quyết định.

No comments:

Post a Comment