Sunday, April 14, 2013

Nhận thức và Tâm Thức

Thành khấn anh linh tiền nhân, các anh hùng vị quốc vong thân, các chiến sĩ, nghĩa sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ tự do cho Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Thành khấn vong linh các đồng bào đã oan tử trên đường từ Bắc vượt thoát vào Nam, hay từ Việt Nam vượt biên sang xứ người tìm tự do.

Nguyện cầu hương linh các bậc tiền nhân phò trợ cho dân tộc chúng ta sớm vượt qua khỏi cảnh nhiễu nhương, đau khổ hiện nay, và đất nước Việt Nam sớm trở thành một quốc gia thực sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.

Niềm Tự hào về Đất nước và Dân tộc

Việt Nam là một quốc gia có nguồn lịch sử đáng hãnh diện! Luân chuyển qua hàng trăm thế hệ khác nhau, dân tộc Việt đã không ngừng đấu tranh để dựng nước, mở nước và giữ nước. Nhờ truyền thống bất khuất đó, Việt Nam đã tự tạo cho mình một lịch sử hào hùng có thế đứng ngang hàng với những nước lớn trong cộng đồng thế giới.

Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa độc đáo. Nền văn hóa Việt mang sức sống mãnh liệt của một dân tộc có ý chí quật cường, không bao giờ chấp nhận sống dưới ách ngoại xâm hay gông xiềng áp bức. Nền văn hóa Việt Nam không chú trọng đến việc tạo dựng nhiều công trình vật chất vĩ đại mang tính phô trương, khả dĩ có thể làm hao tốn ngân quỹ quốc gia và xương máu nhân dân. Di sản ý nghĩa nhất của nền văn hóa Việt là những bài học lịch sử của tiền nhân, truyền dạy cho con cháu đời sau những cách ứng xử khôn ngoan khi quốc biến. Đó là, biết khi nào phải chiến đấu, biết khi nào phải cầu hòa, để cứu dân, giữ nước. Truyền thống đấu tranh và bản sắc văn hóa này đã giúp gìn giữ sự thống nhất của đất nước và tồn tại của dân tộc Việt qua mấy ngàn năm lịch sử đầy gian truân, thử thách. Truyền thống này đồng thời cũng là niềm hãnh diện lâu đời của người Việt Nam; đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước ở hiện tại cũng như tương lai. Đảng Vì Dân tin tưởng rằng niềm tự hào về lịch sử và văn hoá của dân tộc là một yếu tính không thể thiếu được trong tiến trình xây dựng một nước Việt Nam Mới.



Nhận Thức Lịch sử

Kể từ ngày dựng nước, lịch sử Việt là một quá trình chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi không ngừng nghỉ. Song từ thế kỷ thứ 19, vấn đề của Việt Nam đã không còn đơn thuần chỉ là sự tranh đấu chống xâm lăng hay giải quyết sự va chạm quyền lợi với các nước láng giềng. Sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai khối quyền lực Cộng Sản và Tư Bản đã dẫn đến sự can thiệp thô bạo của các siêu cường, khiến vận mệnh Việt Nam bị chi phối một cách sâu xa trong suốt mấy mươi năm qua.

Thực tế là, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lăng đầy chánh nghĩa kết thúc bởi Hiệp định Geneva 1954 đã không đem đến sự thống nhất cho lãnh thổ hay sự độc lập cho dân tộc Việt. Ngược lại, từ thời điểm đó Việt Nam bị đẩy vào một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm kéo dài suốt hai mươi năm sau, gây ra sự tương tàn giữa một số thành phần dân tộc. Cuộc tranh chấp đẫm máu này đã gây nên sự thương vong cho hàng triệu người yêu nước và nhân dân vô tội. Cuộc chiến tranh bom đạn đồng thời đã gây ra cảnh tang thương, hoang tàn, đổ vỡ từ Bắc chí Nam. Hậu quả của cuộc chiến tranh này kéo dài một cách nghiêm trọng đến nhiều thập niên sau, làm ảnh hưởng một cách tệ hại quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết đất nước.

Điều đáng tiếc nhất là sau khi cuộc chiến tranh ủy nhiệm đã tàn lụi, chiến trường bom đạn chấm dứt và quê hương không còn bị phân chia, nhân dân Việt Nam vẫn chưa thực sự được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Chủ trương phân biệt đối xử và kỳ thị chánh trị khắc nghiệt của Đảng VNCS đã biến hàng chục triệu người thành nạn nhân của chế độ mới. Các chánh sách phi nhân bản này đã biến nhiều người Việt trở thành thủ phạm của những tội ác tày trời với chính người đồng chủng. Hậu quả kinh hoàng đó là sau ngày được gọi là “hòa bình”, số người bị giết, bị chết thảm trên đường vượt biên tìm tự do, và bị giam cầm trong các nhà tù từ Bắc chí Nam, có thể đã tương đương với số nạn nhân chiến tranh trong suốt hai mươi năm trước đó.

Cùng lúc đó, tham vọng áp đặt nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ngay sau khi chiến tranh vừa chấm dứt đã tiêu huỷ sức lực còn lại của toàn dân. Hậu quả nghiêm trọng của tham vọng này đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nước nghèo đói nhất thế giới. Cho đến nay, dù đã phục hồi được khá nhiều, Việt Nam vẫn hiện là một quốc gia chậm tiến so với nhiều nước có cùng tầm cỡ và điều kiện tự nhiên trên thế giới.

Thực tế đó là cho đến nay, hàng chục triệu gia đình vẫn còn sống trong cảnh nghèo đói, lạc hậu không khác gì thời còn chiến tranh ở hơn ba mươi năm về trước. Điểm đáng lo nhất là các thế hệ trẻ sinh trong thời gian gần đây đã không có được môi trường giáo dục và điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, cũng như đã không được có điều kiện để bảo vệ sức khoẻ một cách bình thường. Hơn thế nữa, bên cạnh sự thiếu thốn vật chất, hàng ngày người dân Việt Nam còn phải là nạn nhân của không biết bao nhiêu sự phi lý và bất công khác. Điển hình là tình trạng bóc lột sức lao động, hối lộ, tham ô, quan liêu, cửa quyền, v.v… Điểm nhục nhã nhất của giai đoạn này là sự kiện hàng trăm ngàn phụ nữ Việt phải đánh đổi phẩm giá và đạo đức truyền thống để có được điều kiện sống còn trong một xã hội càng ngày càng thêm bất công, tha hoá. Cùng lúc đó, hàng chục ngàn phụ nữ khác phải sống cảnh đoạ đày về thể xác lẫn tinh thần ở xứ người để đổi lấy điều kiện nuôi thân và phương tiện bảo bọc gia đình hết sức là khiêm nhường.Ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày được gọi là “hòa bình”, hậu quả của “cuộc chiến tranh Việt Nam” vẫn còn hoành hành. Những “kẻ thù” cũ của chế độ mới thì ngày nay đã trở thành bạn của Việt Nam, trong khi đó một phần dân tộc thì vẫn bị tiếp tục xem là đối tượng phân biệt đối xử của nhà cầm quyền Hà Nội.

Mấu chốt chánh của toàn bộ vấn đề là guồng máy nhà nước độc tài toàn trị do đảng Cộng sản Việt Nam (VNCS) dựng lên. Vì guồng máy chánh quyền không có những chức năng kiểm soát và chế tài hữu hiệu nên nạn quan liêu, cửa quyền, tham ô và hối lộ nảy sinh, lan tràn các cấp trong cả nước. Vì quốc gia không có một hệ thống sinh hoạt đối lập nên những hiện tượng tiêu cực này không có cơ may được báo động với công luận để được ngăn chận kịp thời từ lúc đầu. Từ đó, những sự đổi mới và phát triển kinh tế trong hơn mười năm qua chỉ tạo nên cơ hội làm giàu bất chánh cho các bè phái lãnh đạo, tầng lớp cán bộ, viên chức nhà nước và một số nhỏ thuộc thành phần cơ hội, hay may mắn có ưu thế trong xã hội.

Hậu quả của sự lãnh đạo độc tài và guồng máy chánh quyền đầy dẫy tệ trạng quan liêu, tham nhũng đã ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến toàn bộ sinh hoạt xã hội. Sự kiện nổi bật nhất là sự cách biệt càng ngày càng lớn giữa một thiểu số được hưởng đặc quyền, đặc lợi, và đại bộ phận nhân dân nghèo khổ. Tình trạng các thành phần nắm chánh quyền được dung túng ăn cắp của công, bóc lột sức lao động của người nghèo, và hà hiếp một cách thô bạo những người cô thế, là nguyên nhân và động lực lớn nhất sẽ dẫn đến sự khủng hoảng lãnh đạo một cách nghiêm trọng trong guồng máy đảng và nhà nước VNCS.

Nhưng sự bất công về mặt vật chất đó cũng chưa quan trọng bằng những sự đàn áp, chèn ép về mặt tinh thần. Vì sự tham lam nắm giữ quyền lực, thành phần bảo thủ, cực đoan trong Bộ Chính Trị Đảng VNCS đã thẳng tay trù dập các thành phần đối lập ôn hòa, không võ trang và cũng không có khuynh hướng bạo động. Trong số những người bị nhà cầm quyền trù dập còn có cả những người đã từng có công xây dựng đảng và đóng góp vào việc đưa toàn cõi Việt Nam vào quỹ đạo Cộng sản. Thành phần này cũng là những người đã dầy công góp sức xây dựng chế độ VNCS trong nhiều năm đầu sau 1975; và nay thì phần lớn chỉ đòi hỏi đảng sửa đổi một số điểm sai lầm trong chánh sách đối nội.Song song với sự độc tài lãnh đạo, đảng VNCS còn chủ trương kiểm soát một cách gắt gao các lãnh vực sinh hoạt tín ngưỡng thiêng liêng. Sự kiện cụ thể của chánh sách này là tình trạng áp bức thô bạo những nhà lãnh đạo tôn giáo vốn chỉ yêu cầu nhà nước tôn trọng quyền tự do tín nguỡng của các tín đồ, và cứu xét việc phục hồi quyền tự do hành đạo của thành phần tu sĩ.

Sự kềm kẹp các quyền tự do căn bản của con người, đặc biệt là các quyền tự do báo chí, tôn giáo, ngôn luận, lập hội… đã phản ảnh rõ rệt tình trạng vi phạm nhân quyền một cách thô bạo của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) do Đảng VNCS độc quyền lãnh đạo.

Tai hại hơn cả cho Tổ Quốc Việt Nam là việc nhà nước CHXHCNVN đã chánh thức ký kết “Hiệp ước về Biên Giới Đường Bộ” vào ngày 30/12/1999 và “Hiệp Ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ” vào ngày 25/12/2000 để sang nhượng lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam cho Trung Cộng. Đây là một sự vi phạm trắng trợn Điều 1 và 13 của bản Hiến Pháp hiện hành, chứng tỏ một sự lãnh đạo độc tài, đặt quyền lợi riêng tư của đảng lên trên quyền lợi tối thượng của Tổ Quốc. Sự kiện vi hiến này cho thấy rằng, ngày nào chế độ độc tài toàn trị còn nắm quyền lãnh đạo, thì quyền lợi của đảng VNCS vẫn được họ đặt trên quyền lợi của quốc gia. Và do đó, nếu đảng VNCS còn độc quyền lãnh đạo thì vận mệnh của nước nhà vẫn còn có nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Với tình trạng này, vấn đề đòi lại phần lãnh thổ và lãnh hải đã bị chuyển nhượng cho Trung Cộng chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam đã thực sự có một thể chế dân chủ mới.Trách nhiệm càng lớn, sai lầm càng nhiều. Quyền hành càng cao, tham ô càng sâu. Đảng VNCS nay đã hoàn toàn mất hết lý tưởng, kể cả “lý tưởng Cộng sản”, “lý tưởng giải phóng” và “lý tưởng xã hội chủ nghĩa” như đã từng được họ tuyên dương, hãnh diện. Vì vậy, càng ngày càng có nhiều người yêu nước liêm chính trong Đảng bày tỏ thái độ bất mãn với thành phần lãnh đạo độc tài, cực đoan, bất công, tham lam và ích kỷ. Tóm lại, guồng máy độc tài toàn trị hiện nay là nguyên nhân của những khủng hoảng nghiêm trọng của xã hội, có khả năng đe dọa sự sinh tồn và hướng thăng tiến của quốc gia, dân tộc.


Nhận thức về Nhu Cầu Cách Mạng Xã Hội

Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang cần được giải phóng khỏi sự độc tài, bất công và lạc hậu hiện nay.

Đối với những người có lý tuởng trong hàng ngũ Cộng sản, mục tiêu tranh đấu mấy chục năm qua vẫn còn đó một cách nguyên vẹn. Ngày trước, mục tiêu đánh đổ là chế độ Đệ I và Đệ II Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, là chế độ độc tài toàn trị đang trở thành một nguy cơ lớn cho quốc gia, dân tộc.

Điều khác biệt là, qua kinh nghiệm lịch sử đắng cay trong suốt mấy mươi năm qua, tiến trình giải thể chế độ đảng trị độc tài và tham ô nhũng lạm hiện nay không thể thực hiện bằng cách mạng bạo lực được nữa. Nó đòi hỏi những người muốn dấn thân vào công cuộc cách mạng xã hội bây giờ phải có được sự sáng suốt, bình tĩnh, kiên trì và một lòng can đảm vô biên. Bởi lẽ, trong cuộc đấu tranh này, bom đạn, dao găm sẽ phải được thay thế bằng lý trí, tình thương và kiến thức. Bởi lẽ, đây là một cuộc đấu tranh ôn hòa và nhân bản -- một cuộc đấu tranh quyết liệt với thành phần độc tài, tham ô nhưng nhất quyết sẽ không để cho một thành phần dân tộc nào phải trở thành nạn nhân của chế độ mới.Việt Nam cần có một giải pháp chánh trị có khả năng hóa giải một cách rốt ráo các bế tắc hiện nay của Việt Nam, mà vẫn có thể bảo vệ được tài sản của quốc gia và nhân dân. Giải pháp này giành lại quyền làm chủ đất nước thật sự cho toàn dân, xây dựng được một chánh quyền dân cử đúng nghĩa “do dân, từ dân và vì dân”, chớ không phải là để trả thù báo oán hay chỉ để tranh giành quyền lực.

Việt Nam cần có một guồng máy chánh quyền mới, trong sạch và hữu hiệu. Thành phần lãnh đạo các cấp của nước Việt Nam trong thời gian tới phải có khả năng, đạo đức; biết lắng nghe nguyện vọng chung của đại đa số nhân dân, có thiện chí thực thi vai trò đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của nhân dân.

Việt Nam cần có một mô thức tổ chức xã hội mới để vượt thoát khỏi những khủng hoảng, trì trệ hiện nay, nhằm đưa đất nước vào một môi trường phát triển thích nghi, lành mạnh và tốt đẹp thật sự.

Việt Nam đang cần có một cuộc cách mạng xã hội có khả năng hóa giải tận gốc rễ các vấn đề của đất nước và dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng xã hội đó phải vượt lên trên những ranh giới tầm thường của chánh trị, tôn giáo và kinh tế. Nó phải có mục tiêu phụng sự xã hội trong tinh thần dân tộc tự quyết, để các thế hệ trẻ có tinh thần tiên phong trong lý tưởng phụng sự quốc gia, dân tộc có thể đóng góp công sức và tài năng của mình để xây dựng một xã hội mới, một đất nước mới.Cuộc cách mạng xã hội để xây dựng một tâm thức mới, một xã hội mới và một nước Việt Nam Mới phải xuất phát từ nguyện vọng chung của đại đa số nhân dân, để có thể dung chứa cả một dân tộc, không phân biệt Bắc-Trung-Nam, xuất xứ, tôn giáo hay thành phần xã hội.

Nhu cầu này là nền móng của một cuộc cách mạng xã hội nhằm kiến tạo một đất nước thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.

Việt Nam cần có một lý tưởng mới để phục hưng dân tộc và phát triển quốc gia. Đó là Lý Tưởng Việt Nam Mới.

Tuổi trẻ Việt Nam sẽ là rường cột của cuộc cách mạng xã hội để thực hiện Lý Tưởng Việt Nam Mới, nhằm phục hồi bản sắc và niềm tin của Dân tộc Việt Nam. Mục tiêu của lý tưởng này là trong vòng một thập niên kể từ ngày thể chế dân chủ được thực sự thành hình, đất nước Việt Nam phải phát triển thành một quốc gia xứng đáng để mọi người dân Việt Nam có thể tự hào, hãnh diện.

Trước mắt, tuổi trẻ Việt Nam tranh đấu là để phục hồi thể diện quốc gia và thoả mãn tự ái dân tộc.

Nước Việt Nam ta không tồi đến nỗi phải đi ăn xin sự thương hại của nước ngoài, hay phải bị thế giới chèn ép trong các sinh hoạt kinh tế liên lập. Nếu nước Việt Nam có một thành phần lãnh đạo thật sự có khả năng, đạo đức và biết thương dân, thương nước, dân nước ta không phải cúi đầu chịu đựng bao cảnh nhục nhằn khi đi làm công rẻ tiền cho hãng xưởng nước ngoài.

Dân tộc ta không hèn đến nỗi nam nhân phải bán sức lao động rẻ hời để sống còn, và phụ nữ đã không phải đánh đổi phẩm hạnh để mưu sinh.

Tuổi trẻ Việt Nam cần đứng lên để giành lại đất nước từ tay đảng VNCS, và từ tay những ngoại kiều đang bóc lột mồ hôi, sức lao động của dân nghèo. Chúng ta phải đấu tranh để giành quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội theo nguyên tắc sinh hoạt của thể chế dân chủ.Không ai có quyền tiếm danh nhân dân Việt Nam để sống trong giàu sang, phú quý trong khi hàng triệu người dân nghèo không có cơm ăn, áo mặc.

Chúng ta cần dấn thân để cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội mới, một đất nước mới, và một tương lai mới.

Chúng ta phải xây dựng lại đất nước để mọi người Việt Nam, dù ở đâu và thuộc thành phần xã hội, kinh tế nào, cũng đều có thể ngẩng cao đầu hãnh diện mình là công dân của nước Việt Nam.

Tất cả ước mơ đó không quá lớn để trở thành những ước mơ không tưởng. Nó ở trong tầm tay những người trẻ có nhiệt huyết và lòng yêu thương đồng bào, tổ quốc.Việt Nam cần có một lý tưởng mới để phục hưng dân tộc và phát triển quốc gia. Đó là Lý Tưởng Việt Nam Mới — lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt, cũng như chủ thuyết Cộng Sản đã tàn lụi dần trong lịch sử và tư tưởng nhân loại.

Đã đến lúc để những người tiến bộ trong Bộ Chính Trị Đảng VNCS cần ý thức được rằng, họ có trách nhiệm hàng đầu trong việc tháo gỡ những bế tắc chánh trị hiện nay, khởi đầu từ việc mạnh dạn cải tạo guồng máy lãnh đạo và chủ trương của đảng.

Nếu những người lãnh đạo đảng VNCS nhận thức được rằng trước hay sau gì xã hội Việt Nam cũng sẽ trở thành tự do, thì ngay từ bây giờ hãy mạnh dạn bày tỏ thiện chí với nhân dân và hợp tác tích cực với các thành phần đối lập ôn hòa để cùng thúc đẩy nhanh chóng tiến trình dân chủ hóa đất nước. Thiện chí không thể thiếu được ở Bộ Chính Trị đảng VNCS là họ phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để công khai thảo luận, ghi nhận và đáp ứng các ý kiến đóng góp đúng đắn của những người tiến bộ trong nội bộ đảng. Bước kế tiếp là chấm dứt thái độ đố kỵ, thù nghịch với các thành phần đối lập ôn hòa ở trong nước; đồng thời tạo ra cơ hội thảo luận một cách trực tiếp và công khai tiến trình dân chủ hóa và phát triển Việt Nam với các cá nhân, đoàn thể có chủ trương đấu tranh ôn hoà.

Cùng lúc này, Bộ Chính Trị đảng VNCS cần chứng tỏ thái độ cởi mở thật sự bằng cách chấm dứt tức thời các hành động đàn áp đối lập và trù dập những người dân cô thế. Mặt khác, đảng VNCS còn phải phục hồi ngay các quyền tự do căn bản của con người như tinh thần Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã qui định; kể cả các quyền tự do tín ngưỡng, tự do sinh hoạt tôn giáo, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận, v.v...

Chỉ với thiện chí đó, đảng VNCS mới có thể được xã hội chấp nhận tiếp tục sinh hoạt như là một chính đảng sau này. Vận mệnh đảng VNCS trong tương lai tùy thuộc vào thái độ và chủ trương của thành phần lãnh đạo đảng hiện nay.

Đã đến lúc những thành phần tiến bộ trong Đảng VNCS cần phải đồng loạt lên tiếng yêu cầu Bộ Chính Trị phải thay đổi chủ trương một cách nhanh chóng, cụ thể và rốt ráo. Nếu như Bộ Chính Trị vẫn khư khư chủ trương lãnh đạo độc quyền và dung túng tham ô, nhũng lạm, thì những người đảng viên có liêm sĩ cần phải mạnh dạn từ bỏ đảng. Vận mệnh đất nước không thể tiếp tục bị khoán trắng cho một thiểu số không thuộc thành phần dân cử. Bộ Chính Trị đảng VNCS đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng trong lịch sử, và đang tiếp tục sai lầm trong chủ trương độc tài lãnh đạo. Những sự sai lầm đó đã gây ra lắm đau thương, đổ vỡ cho dân tộc trong suốt bao nhiêu năm qua, và gây nhiều cản trở cho công cuộc tái thiết và phát triển đất nước hiện nay.

Nếu như Bộ Chính Trị đảng VNCS khư khư bảo thủ thì những người tiến bộ cần phải mạnh dạn dứt khoát bỏ đảng để tự thành lập một đảng mới quy tụ những người tiến bộ trong đảng, hay tham gia các chính đảng dân chủ khác, hay kết hợp những người có cùng xuất xứ và quan điểm để thành lập một đảng chánh trị mới.

Quyết tâm của thành phần tiến bộ trong đảng sẽ buộc thiểu số cực đoan trong Bộ Chính Trị đảng VNCS phải nhượng bộ và chấp nhận tìm kiếm các giải pháp chánh trị ôn hoà, thích hợp và khả thi, hầu có thể giải quyết nhanh chóng các bế tắc tồn đọng của đất nước, xã hội và dân tộc. Sự thay đổi này không những tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt các oan trái do hoàn cảnh lịch sử trước đây gây ra, mà còn giúp cho những người yêu nước chân chính có được cơ hội tiếp tục phục vụ cho quốc gia, dân tộc trong thể chế dân chủ mới.
Tâm Thức Xây dựng một nước Việt Nam Mới

Dưới thể chế dân chủ trong tương lai, mọi thành phần dân tộc đều có quyền và có trách nhiệm đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam Mới thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.

Chúng ta không chủ trương gây chiến hay khích động chia rẽ, hận thù nhưng nhất quyết không nhượng bộ với các thành phần bảo thủ, cực đoan, thối nát và tàn ác. Chúng ta khẩn thiết mời gọi sự đồng tình, hậu thuẫn của những người bất mãn với sự lãnh đạo của đảng VNCS mà mong muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam Mới thật sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.

Cục diện Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào, từ đâu và do ai chủ động, câu trả lời không thể tiếp tục là sự chờ đợi từ thái độ của các siêu cường, hay sự cởi mở vô chừng của đảng VNCS. Năm mươi năm chịu đựng đã đủ cho nhân dân miền Bắc, và ba mươi năm nhục nhằn đã đủ cho nhân dân miền Nam. Đất nước phải thực sự là của nhân dân. Nhiệm vụ của quân đội, chánh quyền và công an phải là phục vụ quốc gia, chứ không thể là công cụ của đảng VNCS hay bất kỳ đảng phái nào cả.

Đã đến lúc để người Việt Nam đứng lên giành lại quyền làm chủ xã hội và đất nước. Hành động này còn là một thái độ nhằm bảo vệ chủ quyền Việt Nam từ sự chi phối và khuynh loát của các thế lực ngoại bang.

Từ nhận thức nêu trên, với tinh thần chia sẻ trách nhiệm chung, trân trọng trình bày cùng đồng bào trong và ngoài nước một số quan điểm và đề án cho công cuộc dân chủ hóa và tái thiết đất nước với tất cả niềm tin và hy vọng. Công trình tư tưởng này được gọi là Đề Cương Việt Nam Mới. Đây là lập trường, quan điểm và ý kiến của tập hợp anh chị em . Ước nguyện của chúng tôi là được góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam Mới thực sự có hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ. Tin tưởng rằng, với sự chân thành, quyết tâm và trong sáng, nước Việt Nam Mới sẽ sớm được thành hình. Trong xã hội mới đó, cơm no áo ấm được bảo đảm, công bằng xã hội được nêu cao, và nhân phẩm con người được tôn trọng.

No comments:

Post a Comment