Sunday, April 14, 2013

Lộ trình Dân chủ hoá Việt Nam

Quan Niệm về Ý Nghĩa và Vai Trò Dân Chủ

Dân Chủ là một quan niệm tổ chức xã hội có khả năng đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân, và ngăn ngừa những khuynh hướng lạm dụng quyền thế, bạo lực hay chuyên chế lãnh đạo, của một cá nhân, một đảng phái, hay một thế lực liên kết chánh trị.
Dưới thể chế dân chủ, người dân thực sự có quyền góp phần lãnh đạo quốc gia, cụ thể như bầu phiếu cho nội dung Hiến Pháp, chọn lựa thành phần lãnh đạo chánh quyền các ngành, các cấp trong cả ba cơ chế hiến định: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Đồng thời, người dân còn được quyền góp phần quyết định về những chánh sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hay sự sống của chính mình ở mỗi giai đoạn, hay khi có nhu cầu.

Mặt khác, Dân Chủ là một mô thức tạo nên sự thi đua làm tốt hơn, giữa những đoàn thể muốn được quần chúng tín nhiệm bầu phiếu cho thành viên của họ vào những chức vụ dân cử quan trọng. Hơn nữa, nó gạn lọc và đào thải một cách tự nhiên những thành phần, hay khuynh hướng, không còn thích hợp với nhu cầu xã hội và nguyện vọng của người dân.

Đối với Việt Nam, ý niệm Dân Chủ đã hiện diện trong chánh sử Việt từ hàng ngàn năm trước và tiềm tàng trong ý thức của nhiều tầng lớp xã hội, cụ thể nhất là truyền thống xã thôn tự trị qua nhiều triều đại. Ý niệm dân chủ đó được người Việt Nam ta ví qua câu "phép vua thua lệ làng". Kể từ đầu thế kỷ 20, qua kinh nghiệm tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nguồn tư tưởng dân chủ dân tộc đã tiếp nhận thêm ý niệm dân chủ Tây Phương, tạo thành một quan niệm Dân Chủ mới. Theo đó, thích hợp nhất với bản sắc văn hóa Việt Nam là quan niệm Dân Chủ Nhân Bản.

Dân Chủ Nhân Bản là một quan niệm điều hướng xã hội, theo đó, ý kiến của đa số được tôn trọng; song mục tiêu cuối cùng của tất cả mọi nỗ lực xây dựng xã hội là phải nhằm phục vụ con người; vì con người là bản thể và cũng là chủ thể của xã hội. Nói cách khác, quan niệm Dân Chủ Nhân Bản không chấp nhận các quan niệm chánh trị nhằm biến con người thành một công cụ để đạt đến những kết quả đi ngược lại với tinh thần nhân quyền và dân quyền.



Nguyên Lý Xây Dựng Dân Chủ cho Việt Nam

Dân Chủ không thể tự nhiên mà có như là một món quà đặc biệt bất ngờ của các siêu cường; vì rõ ràng là, chánh sách đối ngoại của nước nào cũng phải nhằm phục vụ cho quyền lợi thực tiễn của quốc gia đó.

Dân Chủ sẽ không thể là một giải pháp tiền chế với sự tham dự của một số chánh trị gia sa-lông do ngoại bang áp đặt. Bởi lẽ, thứ nhất, dân chủ đến từ sự ban phát của người ngoại quốc sẽ không thể biểu hiện được tính tự quyết của một dân tộc; và thứ hai, bất cứ giải pháp nào do ngoại bang sắp đặt sẽ không thể phản ảnh được nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân một nước.

Dân Chủ cũng không thể mặc nhiên được thành hình tốt đẹp và toàn hảo từ sự chấm dứt quyền lãnh đạo của một chế độ độc tài toàn trị. Bởi lẽ, sự độc tài đó vẫn có thể được tiếp nối bởi một sự độc tài khác, bởi tham vọng của một cá nhân, một đảng phái, hay cũng có thể là một liên minh chánh trị bao gồm nhiều cá nhân, tập hợp khác nhau, nhưng lại có một mục tiêu chung là chia sẻ quyền lực và quyền lợi riêng cho thiểu số đó.

Thực tế cho thấy rằng, trên thế giới ngày nay, có một số quốc gia không Cộng sản nhưng vẫn lâm vào cảnh độc tài chánh trị, khủng hoảng về xã hội và lạc hậu về mọi mặt. Vì vậy, sự sụp đổ, giải thể hay chuyển thể một chế độ độc tài sang đa đảng, chỉ đáp ứng yêu cầu đầu tiên của tiến trình dân chủ hóa là chấm dứt một trình trạng độc tài toàn trị.

Muốn có một nền dân chủ đích thực, chánh quyền đa thành phần phải được phối trí một cách khoa học để không có một cá nhân, đảng phái, hay thế lực liên kết chánh trị nào, có thể lạm dụng sự tín nhiệm của người dân cho các mục đích vụ lợi riêng tư. Nước Việt Nam Mới của chúng ta sắp tới sẽ rút tỉa kinh nghiệm của thế giới, để chọn cho quốc gia mình một mô thức tổ chức xã hội thích hợp hơn với hoàn cảnh của đất nước và bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trong hoàn cảnh một xã hội đang có nhiều hiện tượng khủng hoảng lãnh đạo và niềm tin hiện nay như ở Việt Nam, một sinh hoạt chánh trị dân chủ, tự do là một nhu cầu không thể thiếu được. Tuy nhiên, nếu như nền dân chủ không được xây dựng bằng những kiến thức và quan niệm đúng đắn, nó sẽ gây ra nhiều biến chứng phức tạp và nguy hiểm cho chính nền dân chủ non yếu. Những người đấu tranh cho tự do, dân chủ cần ý thức được rằng, sự bầu cử tự do sẽ có thể bị lợi dụng một cách khéo léo để hợp thức hóa vai trò lãnh đạo của một số đảng phái, liên minh chánh trị bất xứng. Do đó, dân chủ hóa Việt Nam là một khuynh hướng đúng và rất cần thiết nhưng sự cảnh giác và quyết tâm bảo vệ, chăm sóc cho nền dân chủ cũng quan trọng không kém gì nỗ lực giải thể, hay ngăn ngừa, một cơ chế lãnh đạo độc tài toàn trị (do một cá nhân hay đảng phái nắm quyền) hay độc tài tập trị (do một liên minh chánh trị nắm quyền).

Nền Dân Chủ nào cũng phải trải qua giai đoạn phôi thai, trưởng thành rồi mới phát triển từng bước vững mạnh được. Ngay cả những nước dân chủ ở Tây phương, người dân trong các xã hội tiền tiến này vẫn phải tiếp tục bồi đắp cho nền tảng dân chủ, phát triển dân chủ mỗi ngày một tốt đẹp hơn, đồng thời cũng cảnh giác trước những sự lạm dụng hoặc phá hoại dân chủ. Các nước tự do quí trọng dân chủ vì quan niệm phân quyền nhân bản này đã chứng tỏ được thực chất giá trị quý báu của nó, phản ảnh rõ ràng qua sự phát triển vững mạnh của xã hội từ bao nhiêu năm qua.

Đối với Việt Nam, mặc dù bối cảnh xã hội còn nhiều điểm phức tạp và tình trạng dân trí chưa được phát triển đồng đều, song trước khuynh hướng thế giới liên lập ngày nay, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng thực thi dân chủ để có thể tồn tại và thăng tiến hùng mạnh trong cộng đồng quốc tế. Xây dựng và phát triển dân chủ là xu hướng chung của thế giới, và một xã hội có dân chủ là nền tảng vững chắc để phục hồi nhân quyền, cải tiến dân sinh và phát triển xã hội. Việt Nam là một thành phần của cộng đồng thế giới, do đó, cũng không thể nằm ngoài xu hướng chung này. Người Việt Nam không có sự chọn lựa nào tốt hơn là chấp nhận một mô thức xây dựng dân chủ ngay từ thời điểm này nếu muốn Việt Nam sẽ được sống hùng cường trong một xã hội thực sự có tự do, dân chủ ở ngày mai.

Dân Chủ Hóa Xã Hội là một tiến trình nhằm thực hiện một cách tích cực quyền tự quyết và chủ quyền của người dân. Quyền làm chủ xã hội của người dân phải là một quyền hạn thực tế được Hiến Pháp nhìn nhận và đồng thời được chánh quyền tôn trọng tuyệt đối; chứ không thể chỉ là một sáo ngữ, hay một chiêu bài của nhà cầm quyền. Hơn nữa, vì nhân dân là bản thể và cũng là chủ thể của xã hội, nên Dân Chủ không phải chỉ là được quyền tự do bầu chọn người đại diện mình trong cơ cấu chánh quyền các cấp, mà còn bao gồm cả quyền được ứng cử góp phần lãnh đạo đất nước. Hơn lúc nào hết Việt Nam cần được dân chủ hoá, nhưng nền dân chủ mới phải do chính người Việt Nam thành hình và xây dựng, chứ không thể là một “sản phẩm tiền chế” của ngoại bang, cho dù đó là một siêu cường. Nó cũng không thể là một thứ dân chủ vá víu phát xuất từ sự nhượng bộ nhất thời của đảng cầm quyền độc tài trước một số áp lực nào đó từ các thế lực bên ngoài; hay là một sự trao đổi để trục lợi cho chế độ. Việt Nam cần phải được dân chủ hóa càng sớm càng tốt để chấm dứt tình trạng phát triển hỗn loạn, lạm dụng quyền thế, hối lộ tham ô và bất công xã hội. Công cuộc dân chủ hóa Việt Nam đã trở nên vô cùng cấp thiết, vì không những đó là chìa khóa hóa giải các vấn nạn đang có như tham ô, nhũng lạm, quan liêu, lạc hậu, khủng hoảng, v.v...., mà còn là phương thức tạo điều kiện để mọi thành phần dân tộc có cơ hội đóng góp cụ thể vào tiến trình xây dựng đất nước.


Một Phương thức Xây dựng Dân Chủ

Chiến tranh chắc chắn không thể là câu trả lời cho vấn đề Việt Nam, cho dù tình huống chánh trị có phức tạp, khó khăn đến đâu.

Một biến động chánh trị mang khuynh hướng bạo động có thể làm xoay chuyển thời cuộc một cách nhanh chóng nhưng đó vẫn là một điều nguy hiểm lớn. Bởi lẽ, một sự thay thế toàn bộ quyền lực lãnh đạo quá đột ngột và thiếu chuẩn bị chu đáo sẽ gây ra sự khủng hoảng dây chuyền ở nhiều mặt.

Đối với hoàn cảnh Việt Nam, sự sụp đổ đột ngột của chế độ Cộng sản có thể dẫn đến sự khủng hoảng lãnh đạo, hay tình trạng chánh quyền bị mất kiểm soát. Từ tình huống đó, các xu hướng xấu sẽ lợi dụng tình trạng đó để làm cho cục diện tồi tệ hơn nữa, nhằm mục đích phá hoại uy tín chánh quyền dân cử mới được thành lập.

Vì vậy, cho dù Việt Nam cần phải được dân chủ hoá càng sớm càng tốt, nhưng tiến trình thay đổi thành phần và guồng máy lãnh đạo cần được tổ chức một cách khoa học để tránh những hậu quả đáng tiếc, khả dĩ có thể dẫn đến những sự tiêu cực có thể làm phương hại đến tiến trình phát triển nền dân chủ mới.

Đấu tranh cho nhân quyền rất quan trọng trong mặt ngoại vận và cũng vô cùng cần thiết để tạo các áp lực chánh trị đối với chế độ. Tuy nhiên, nếu chỉ đòi hỏi nhà cầm quyền tôn trọng vấn đề nhân quyền một cách thuần tuý, thì ảnh hưởng có được cũng không thể giải quyết được tận gốc rễ các bế tắc đang có. Sự lên án hay kêu gọi chỉ có thể làm tiếng chuông cảnh tỉnh lương tâm thế giới và làm áp lực cho từng giai đoạn, nhưng sẽ không thể là một giải pháp mang tính chất quyết định cho sự thay đổi thể chế chánh trị ở một nước. Với sự ngoan cố của thành phần lãnh đạo bảo thủ, cực đoan hiện nay, nếu đảng VNCS chấp nhận đáp ứng phần nào đối với những lời kêu gọi tôn trọng nhân quyền, thì tình hình chỉ có thể đỡ tồi tệ hơn; song cốt lõi của vấn đề là, khi nào sự độc tài toàn trị vẫn còn hiện hữu thì một nguy cơ lớn cho tương lai toàn xã hội vẫn còn đó. Đấu tranh nhân quyền là một phương thức đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giải thể một chế độ độc tài, song chưa thể có được yếu tố quyết định cho sự thay đổi cục diện.

Đối với những phương thức đấu tranh mang hình thức “tiệm tiến” khác, ảnh hưởng dĩ nhiên sẽ có nhưng thời gian tính lại là một vấn đề trở ngại lớn. Chủ trương dùng kinh tế hay ngoại giao để thúc đẩy sự đổi mới chánh trị không phải là vô hiệu, vì rõ ràng là Hoa Kỳ đang thực hiện sách lược này, nhưng đó là sách lược của một quốc gia có tầm vóc và đầy thế lực. Các sách lược này nằm trong chiến lược đường dài của Hoa Kỳ, và cũng nhằm đáp ứng các nhu cầu quyền lợi thực tiễn của Hoa Kỳ. Những nỗ lực thuộc dạng thức này mang yếu tính phụ thuộc. Nỗ lực đấu tranh trực diện của người Việt trong nước luôn đóng vai trò chủ lực.

Người Việt, ở cả trong ngoài ngoài nước, không có sự chọn lựa nào tốt hơn là phải chứng tỏ quyết tâm dân chủ hóa đất nước của mình trên tinh thần tự quyết của chính người Việt. Chính quyết tâm tự quyết của nhân dân Việt sẽ thuyết phục được sự hậu thuẫn tích cực của cộng đồng thế giới trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Một khi chúng ta chứng tỏ được rằng sách lược dân chủ hóa Việt Nam bằng các giải pháp ôn hòa, thích hợp và khả thi để vừa không đi ngược lại chiến lược toàn cầu của các siêu cường, vừa có khả năng giúp thành hình một nền kinh tế liên lập với thế giới, lại vừa giúp ổn định tình hình an ninh quốc phòng chung cho toàn khu vực, thì chắc chắn là Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam sẽ được hậu thuẫn một cách đặc biệt.

Tóm lại, vấn đề không phải là phía quốc tế có yểm trợ cho giải pháp này hay lộ trình kia hay không, mà cốt lõi của vấn đề là nguyện vọng và quyết tâm của người Việt Nam có xứng đáng để cộng đồng thế giới xét thấy nên được hậu thuẫn hay không. Tương lai đất nước như thế nào tuỳ thuộc phần lớn vào thái độ của người Việt Nam ở khắp nơi trong giai đoạn trước mắt.
Trước tình hình chánh trị hiện nay, Chúng tôi nhận thấy rằng Tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do là một giải pháp chánh trị ôn hòa và thích hợp nhất cho bối cảnh xã hội Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Hoàn cảnh lịch sử khắc khe đã làm cho nhân dân Việt Nam bị mất hai cơ hội Tổng Tuyển Cử quốc gia: một từ Hiệp Định Gevève, một từ Hiệp Định Paris. Đó là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là cơ hội đó đã mất hẳn. Lịch sử tuy đã sang trang nhưng cơ hội đó vẫn nằm trong tay người Việt Nam một khi người Việt Nam quyết tâm thực hiện quyền tự quyết dân tộc qua cuộc Tổng Tuyển cử tới đây.

Tổng Tuyển Cử Tự Do là giải pháp chánh trị thích hợp nhất vì nó sẽ dành những cơ hội tham gia lãnh đạo cho tất cả mọi phía liên hệ, và đó là cơ hội lớn nhất để toàn dân hành xử quyền làm chủ đất nước của mình một cách thực tế.

Tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do là một giải pháp chánh trị vừa thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, vừa không vô tình tạo cơ hội cho các thế lực ngoại bang lợi dụng tình hình mất ổn định chánh trị cho các mưu đồ xấu.

Với tính chất ôn hoà, hợp lý và hợp hiến, giải pháp tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do là tiến trình dân chủ hóa xã hội có thể giúp tránh được tình trạng khủng hoảng chánh trị, xã hội, kinh tế. Nó cũng là một giải pháp chánh trị ngăn ngừa được tình trạng rối loạn nhân tâm khi cơ chế lãnh đạo quốc gia được thay đổi. Cụ thể là giải pháp chánh trị này sẽ làm thay đổi bộ mặt guồng máy lãnh đạo quốc gia, song nó không đòi hỏi, hay dẫn đến, một sự thay đổi toàn bộ guồng máy chánh quyền đang có.

Chế độ độc tài toàn trị phải được chấm dứt để nhường chỗ cho một thể chế dân chủ mới. Tuy nhiên, guồng máy chánh quyền thì chỉ cần được thay đổi chứ không cần thay thế. Cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do sẽ đóng được vai trò gạn lọc và hoàn chỉnh này, để bảo đảm cho một sự chuyển-thể êm thắm và tốt đẹp. Mục đích chánh yếu của cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do là giải thể tình trạng độc tài toàn trị hiện nay, và trao quyền quyết định vận mệnh đất nước cho toàn dân. Chính lá phiếu tự do của toàn dân sẽ nói lên quyết định thể chế mới như thế nào, và guồng máy này sẽ do những thành phần nào được bầu chọn vào vai trò lãnh đạo.

Giải pháp tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do tạo cơ hội cho tất cả mọi công dân Việt Nam trong việc bầu chọn người đại diện cho mình trong guồng máy chánh quyền, và đồng thời cũng tạo cơ hội cho những công dân có tư cách, khả năng và điều kiện được ứng cử trở thành tiếng nói đại diện cho nhân dân. Tiến trình dân chủ hóa ôn hòa này sẽ tạo yếu tố điều chỉnh những vấn nạn của xã hội hiện nay như tình trạng tham nhũng, quan liêu, lạm dụng quyền thế, v.v…

Với giải pháp Tổng Tuyển Cử Tự Do và thể chế dân chủ mới, nhân dân sẽ làm chủ, sẽ góp phần lãnh đạo và quản lý đất nước.

Mặt khác, việc tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do cũng sẽ không gây trở ngại cho tiến trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước của toàn dân. Cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do sẽ dẫn đến một thể chế dân chủ mới, với một thành phần lãnh đạo và điều hành cơ cấu các cấp của guồng máy quốc gia xuất phát từ nhiều tổ chức chánh trị khác nhau.

Bởi thế, hoàn toàn khác với cơ chế độc đảng hiện nay, nó không đòi hỏi một sự thay đổi toàn bộ guồng máy chánh quyền và cơ cấu sinh hoạt của xã hội, mà chỉ đặt mục tiêu hoàn chỉnh những cơ cấu, bộ phận thiếu chức năng hay đang gây ra những điều không tốt cho xã hội.

Vì mang được tính tiếp nối các công trình phát triển và xây dựng đang có, giải pháp Tổng Tuyển Cử Tự Do không những không làm hư hại nỗ lực của toàn dân trong thời gian qua, mà còn tạo thêm yếu tố thuận lợi cho tiến trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước Việt Nam. Tổng Tuyển Cử là con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình, tự do, ấm no và tiến bộ.


Tính Chất của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam

Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam đặt mục tiêu hàng đầu là cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do, bao gồm sự tham dự của các cá nhân và đoàn thể chánh trị ở nội địa Việt Nam, kể cả đảng VNCS.

Giải pháp này dựa trên nền tảng một viễn kiến chánh trị là trong một thời gian ngắn tới, một số biến chuyển sẽ xảy ra và thúc đẩy một cách tích cực hơn khuynh hướng tìm kiếm sự đối thoại, tương nhượng từ các đoàn thể chánh trị ở trong nước, bao gồm đảng cầm quyền. Động lực tương nhượng để cùng sống còn và phát triển sẽ đương nhiên tạo ra những yếu tố mới, có khả năng làm nền tảng cơ bản cho tiến trình dân chủ hóa đất nước một cách tốt đẹp. Trong chiều hướng này, việc thảo luận trước về những giải pháp thích hợp và khả thi là điều vô cùng cần thiết, để chuẩn bị tinh thần và các yếu tố thực hiện tiến trình trong tư thế chủ động.

Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam được đặt căn bản trên hai viễn kiến chánh trị khả dĩ là:

1. Đảng VNCS nhượng bộ: Tình hình Việt Nam sẽ có nhiều biến tố mới có khả năng thúc đẩy Bộ Chính Trị đảng VNCS phải tương nhượng các đoàn thể đối lập và chấp nhận dân chủ hoá xã hội;

2. Đảng VNCS bị mất quyền lãnh đạo: Một biến cố chánh trị sẽ xảy ra và dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống độc tài toàn trị hiện nay, tạo điều kiện cấp thời cho một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do để thành lập một thể chế dân chủ mới.

Trong cả hai viễn kiến này, ba yếu tố quan trọng không thể thiếu được là sự ôn hoà, hợp lý và hợp hiến; để làm điều kiện bảo đảm cho khả năng vận động sự tham dự các thành phần liên hệ ở trong nước, và ở phía quốc tế.

Ôn hoà, có nghĩa là giải pháp dân chủ hóa này không chủ trương dùng bạo lực như là một phương tiện thay đổi thành phần lãnh đạo hay cơ cấu chánh quyền.

Hợp lý, có nghĩa là giải pháp này nhằm dân chủ hóa xã hội dựa trên căn bản tạo cơ hội đồng đều cho tất cả lực lượng chánh trị và dành quyền quyết định tối hậu cho toàn dân.

Hợp hiến, có nghĩa là Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam chủ trương đặt Hội Đồng Lập Hiến sắp tới vào vai trò chánh yếu trong tiến trình thay đổi cơ chế lãnh đạo quốc gia.

Tính chất ôn hoà, hợp lý và hợp hiến của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam này là điều kiện tiên quyết cần có, để bảo đảm sự an toàn cho các thành phần đối lập sẽ tham dự cuộc vận động ở trong nước. Mặt khác, tính chất này giúp giải tỏa sự lo ngại cố hữu về viễn ảnh của một biến động chánh trị có thể dẫn đến khủng hoảng an ninh quốc gia của những người đang cầm quyền hiện nay. Tính chất ôn hoà, hợp lý và hợp hiến còn giúp cho công luận thế giới và chánh quyền các nước tự do có thể lên tiếng hậu thuẫn công khai mà không ngại bị vi phạm công pháp quốc tế trong lãnh vực ngoại giao với nhà cầm quyền đương thời.

Trong hoàn cảnh chánh trị tế nhị hiện nay, thực tế thấy rằng không có một giải pháp nào có thể được chấp nhận một cách tương đối nếu nó không bao gồm sự đại diện các thành phần có quan hệ mật thiết đến quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt Nam, như:

Đại diện các tôn giáo ở trong nước (như Phật Giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, v.v..);

Đại diện đảng Cộng sản Việt Nam;

Đại diện các thành phần đối lập chánh trị ở Việt Nam;

Đại diện các đoàn thể quần chúng (độc lập) từ Bắc chí Nam;

Đại diện Cộng đồng Người Việt lưu vong ở nước ngoài;

Đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam chuyên ngành về nhân quyền; và

Đại diện các cơ quan truyền thông và báo chí quốc tế, và Việt Nam ở cả trong cũng như ngoài nước.

Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam dự trù giải pháp cho cả hai trường hợp có thể xảy ra là:

1. đảng VNCS chấp nhận tương nhượng, và

2. chế độ độc tài toàn trị của đảng VNCS bị sụp đổ.

Giải pháp cho viễn kiến của trường hợp #1 được gọi là “Giải Pháp #1 của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam”, gọi tắt là Giải Pháp #1.(http://hoabinhvanhandao.blogspot.com/2013/04/ai-cuong-ve-giai-phap-1.html)

Giải pháp cho viễn kiến của trường hợp #2 được gọi là “Giải Pháp #2 của Lộ Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam”, gọi tắt là Giải Pháp #2.(http://hoabinhvanhandao.blogspot.com/2013/04/ai-cuong-ve-giai-phap-2.html)

No comments:

Post a Comment